Cà phê Khe Sanh: Những ngày này, nông dân huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đang khẩn trương bắt tay vào thu hoạch cà phê. Khác với không khí ảm đạm những năm trước, năm nay ngay từ đầu vụ, giá cà phê chín được các công ty trên địa bàn thu mua với giá khá cao nên người dân cảm thấy rất phấn khởi.
Hiện tại, cà phê Hướng Hóa đang bắt đầu chín rộ, người dân tiến hành thu hái theo phương châm “thu hoạch cà phê sạch, không tạp chất”, cùng với đó là triển khai nhiều biện pháp tái canh, trồng mới nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây cà phê trên địa bàn.
Gia đình ông Ngô Thế Quý (40 tuổi), ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân có hơn 1 ha cà phê chè. Thời điểm này, gia đình ông đang tiến hành thu hái cà phê chín đầu mùa, đem bán cho các công ty thu mua cà phê trên địa bàn với giá 8.000 đồng/ kg. Ông Quý cho biết, sau gần 3 mùa cà phê rớt giá, năm nay giá đã tăng cao trở lại khiến người trồng cà phê rất phấn khởi.
Thêm vào đó, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ này diện tích cà phê của gia đình ông khá được mùa, tính đến cuối vụ cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả tươi. “Thấy cà phê tăng giá trở lại, chúng tôi vui mừng như cất được gánh nặng âu lo bấy lâu nay. Suốt 3 năm qua, vì cà phê rớt giá nên sau mỗi vụ thu hoạch lợi nhuận thu được quy ra chỉ đủ trả cho công hái mà thôi. Còn số tiền khá lớn bỏ ra để đầu tư phân bón, thuê người làm cỏ, bẻ chồi…chúng tôi không thu lại được, phải chịu lỗ nặng.
Năm nay, với giá cả như thế này thì chúng tôi đã bớt lo lỗ vốn và có khả năng trả hết số tiền phân bón còn nợ ở vụ trước”, ông Quý chia sẻ. Hiện tại, mỗi ngày vợ chồng ông Quý thu hái được khoảng 1 tạ cà phê chín, đem bán cho các công ty thu được 800 ngàn đồng. Những ngày qua, tín hiệu cà phê tăng giá trở lại làm ông Quý và đông đảo người trồng cà phê thêm vững tin vào cây cà phê và mạnh dạn đầu tư nguồn vốn để duy trì, chăm bón tốt cho vườn cà phê trong thời gian tới.
Cũng tương tự như gia đình ông Quý, hơn một tuần nay, ông Trần Minh Bắc (46 tuổi), ở thôn Húc Ván, xã Húc phấn khởi bắt tay vào vụ thu hoạch cà phê chè. Vốn quê gốc ở miệt biển xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) ông Bắc lên lập nghiệp ở xã Húc gần 10 năm nay. Nhờ cần cù, chịu khó lao động đến bây giờ ông sở hữu nhiều diện tích cây hồ tiêu, cà phê mít đã cho thu hoạch; riêng cây cà phê chè ông Bắc có gần 2 ha với gần 8 năm tuổi. Ông Bắc cho biết: “Những năm qua khi giá cà phê rớt xuống thấp, để duy trì diện tích, tôi phải làm thêm nhiều việc khác như chăn nuôi, trồng cây hoa màu để có tiền chăm bón cho cây cà phê và trang trải cuộc sống.
Khác với những vụ cà phê trước, năm nay vì giá cả tăng lên, gia đình tôi đã thuê thêm nhiều nhân công để thu hái cho kịp, chứ chỉ 2 vợ chồng chúng tôi hái không xuể”. Ông Bắc nói, bởi cà phê đang tăng giá từng ngày nên cả chủ vườn lẫn người làm công đều vui vẻ, thoải mái chứ không thấp thỏm lo lắng như những năm trước. Hiện tại, để thu hái số cà phê đang chín rộ, ngoài 2 vợ chồng ông Bắc còn có thêm 3 nhân công thu hái cà phê cho gia đình, với giá thỏa thuận giao động từ 150- 200 ngàn đồng/ người/ ngày.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa, trên địa bàn hiện có gần 4.700 ha cà phê chè, trong đó có hơn 4.000 ha cà phê đã cho thu hoạch, tập trung vào các xã như Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Hợp… Thời gian qua, để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê, người dân huyện Hướng Hóa đã tiến hành tái canh, thay thế dần những diện tích cà phê kém hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, người dân đã tiến hành tái canh khoảng 300 ha trong tổng số 1.000 ha cà phê cần được tái canh trên địa bàn. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp đốn đau, đốn phớt, tích cực bón phân để phục hồi, “trẻ hóa” những diện tích cà phê già cỗi.
Các cấp chính quyền thời gian qua cũng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân thu hái cà phê đạt chất lượng với phương châm “thu hoạch cà phê sạch, không tạp chất” nhằm tạo ra sự ổn định về giá cả và xây dựng lại thương hiệu cà phê Khe Sanh- Hướng Hóa. Những mô hình nhóm, hộ liên kết sản xuất cà phê sạch ngày càng được mở rộng, đi vào hoạt động có hiệu quả, từng ngày thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu hoạch cà phê. Bên cạnh đó, để người dân tiếp cận được nguồn vốn đầu tư tái canh, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cũng đã tiến hành giản nợ, giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua.
Xã Tân Hợp là địa bàn có diện tích cà phê cần được tái canh khá lớn của huyện Hướng Hoá. Toàn xã hiện có 245,3 ha cà phê chè Catimor, trong số đó có 3/4 diện tích cần được tái canh. Từ năm 2014 đến nay, UBND xã Tân Hợp đã vận động người dân tiến hành tái canh được 60 ha cà phê già cỗi theo kiểu “cuốn chiếu”. Ngoài ra, xã còn xây dựng nhiều mô hình mẫu áp dụng khoa học- kỹ thuật trong tái canh cây cà phê để người dân trên địa bàn tham quan, học hỏi. Ông Lê Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê, thời gian qua xã Tân Hợp đã tiến hành tái canh, trồng mới nhiều diện tích cà phê.
Chỉ tính riêng năm nay, trên địa bàn đã tái canh hoàn thành 7,5 ha cà phê già cỗi và tiến hành đốn đau, đốn phớt nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả. Cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân thay thế những diện tích cà phê già cỗi, tích cực chăm sóc những diện tích có hiệu quả, UBND xã Tân Hợp còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê cho người dân”.
Ông Lê Thanh Trung cho biết thêm, để nâng cao chất lượng cà phê ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân trong việc thu hoạch, thì cũng cần phải quản lý tốt số đại lý, thương nhân thu mua cà phê trên mỗi địa bàn. Bởi có một thực trạng lâu nay là, tuy người dân thu hái cà phê sạch nhưng khi qua khâu trung gian- thương nhân để chuyển đến nhà máy tiêu thụ thì lại hóa ra “bẩn”, bởi bị trộn thêm nhiều tạp chất nhằm thu lãi. Theo ông Trung, để chấm dứt thực trạng này các nhà máy cà phê cần kiên quyết không tiêu thụ số cà phê nhiễm bẩn. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của Hội Cà phê Khe Sanh để ngăn chặn, xử lý những đại lý, thương nhân có hành vi “mua sạch, bán bẩn”…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê thời gian qua, người dân huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh tái canh, phục hồi nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả; đồng thời thay đổi nhận thức trong thu hoạch cà phê để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo kế hoạch, năm nay huyện sẽ tiến hành tái canh khoảng 70 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả ở các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng và đến thời điểm này đã tương đối hoàn thành xong việc tái canh. Sắp tới, chúng tôi sẽ phân bổ nguồn kinh phí 300 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân đang tái canh cây cà phê ở các địa bàn nói trên.” Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA
Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=114639
CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM
“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”
Hotline: 0888.52.57.59
Email: [email protected] – Website: https://thomcoffee.com