Khe Sanh Cà Phê: Đất trời và con người Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị đang vào xuân. Có lẽ, cũng khá lâu rồi người trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa mới có một vụ mùa thành công khi giá cà phê quay trở lại thời hoàng kim với giá cao trên 10.000 đồng/kg.
Những nông dân trồng cà phê mà chúng tôi gặp và có dịp trò chuyện đều chung một niềm tin rằng, đã qua rồi thời gian khó của cây cà phê. Trong những ngày cà phê đang bước vào chính vụ, chúng tôi được ngắm nhìn những vườn cây trĩu quả, sắc đỏ quả cà phê xen lẫn màu xanh thẫm của núi rừng Hướng Hóa (Quảng Trị) hòa quyện trong thanh âm ríu rít chuyện trò của nông dân. Niềm vui về một vụ mùa bội thu, được giá đã trở lại trên khuôn mặt những nông dân trồng cà phê khi thành quả một nắng hai sương suốt một năm trời được đền đáp.
Hiện nay, huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung với 5.000 ha cà phê chè caktimor, hơn 8.000 hộ gia đình tham gia sản xuất, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Hằng năm cho sản lượng khoảng 50.000 tấn cà phê quả tươi, giá trị kinh tế ước đạt trên 300 tỷ đồng/năm, cà phê trở thành một loại cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn đối với ngành nông nghiệp của địa phương miền núi này.
Nông dân Đỗ Đình Hiếu ở xã Tân Hợp khoe với chúng tôi, riêng niên vụ này, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng từ cây cà phê, một con số trong mơ đối với nhiều nông dân. Có được thành công đó là nhờ ông đã vững tin ở câycà phê. Ông Hiếu cho biết, ông không chỉ tận dụng mọi nguồn lực để chăm sóc vườn cà phê trong những thời điểm khó khăn mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năm nay vườn cà phê của gia đình khá được mùa, quả cà phê đạt chuẩn chất lượng nên giá bán cũng cao hơn so với những vườn cà phê khác.
Đặc biệt, tháng 8/2015 Hội Cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị ra đời với sự hỗ trợ của Viện Mê Kông gồm 27 thành viên tham gia đầy đủ với nhiều thành phần như: Các nhà máy, cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê, nhóm trưởng nhóm nông dân các thôn, bản, các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn…Ngay sau khi thành lập, hội đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan ban hành quy chế thu hái cà phê với tiêu chuẩn như: Tỷ lệ quả chín phải từ 95%, không ngâm nước, không được trộn tạp chất, giúp người dân thay đổi tập quán thu hái, để nâng cao giá bán, giảm chi phí trong quá trình chế biến cho các doanh nghiệp.
Ông Hồ Văn Kài, Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh cho biết: Mô hình đầu tiên được thành lập và đi vào hoạt động tại địa bàn huyện Hướng Hóa sẽ là cơ hội tốt để thực hiện hiệu quả các hoạt động trong chuỗi giá trị cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế. Về lâu dài, nâng cao nhận thức và hành động vì lợi ích của các hội viên và cộng đồng, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau phát triển thị trường cà phê, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Tiến tới xây dựng thương hiệu uy tín và bền vững cho cây cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa trên thị trường quốc tế. Hiện nay, các cấp, ngành huyện Hướng Hóa đang triển khai đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê tại 10 xã trồng cà phê chủ lực của địa phương này.
Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện Hướng Hóa sẽ tiến hành tái canh khoảng 1.900 ha, bình quân mỗi năm tái canh 200 ha, phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất cà phê chè đạt bình quân 14 – 16 tấn quả tươi/ha, đưa sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 9.000 -10.000 tấn nhân/năm. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân góp phần khiến giá cà phê tăng cao chính là việc người dân và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê đã ý thức được chất lượng sản phẩm. Họ đều hiểu rằng muốn nâng cao giá trị cà phê, trước hết phải bắt đầu từ chất lượng sản phẩm.
Ông Hồ Vương, Giám đốc Công ty TNHH Vương Thái, một trong những doanh nghiệp cà phê hàng đầu ở huyện Hướng Hóa cho rằng, muốn nâng cao chất lượng, giá bán cho cà phê, tiến tới xây dựng thương hiệu bền vững cho cây cà phê Khe Sanh, Hướng Hoa thì ngoài khâu trồng, chăm sóc phải đảm bảo yêu cầu khoa học kỹ thuật, quá trình thu hái và bảo quản, chế biến cũng có vị trí hết sức quan trọng.
Do đó, để cây cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cà phê thế giới, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nông dân lẫn doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mối liên kết “4 nhà” một cách chặt chẽ, thực chất hơn.
Dẫu biết rằng để xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa thành công còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với sự nỗ lực từ các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, các hộ dân trồng cà phê, tin tưởng rằng hương cà phê Khe Sanh sẽ được người tiêu dùng trên thế giới biết đến nhiều hơn trong thời gian tới.
CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM
“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”
Hotline: 0888.52.57.59
Email: [email protected] – Website: https://thomcoffee.com