Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê nên trong những năm qua huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tập trung phát triển cây cà phê với diện tích gần 5.000 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 50.000-60.000 tấn.
Vì vậy, trên địa bàn huyện có trên 15 cơ sở đang hoạt động sản xuất, chế biến cà phê chủ yếu tập trung tại xã Hướng Tân và Hướng Phùng. Công suất của các cơ sở đạt từ 5-100 tấn/ ngày-đêm.
Tuy nhiên với sự phát triển ồ ạt của các cơ sở chế biến cà phê thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường tại các địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra tại 5 cơ sở chế biến cà phê gồm: Công ty TNHH Vương Thái, DNTN Thành Danh, Công ty Cổ phần Thương Phú, DNTN Đình Tàu, Công ty TNHH Đại Lộc. Tại thời điểm kiểm tra các cơ sở bắt đầu vào vụ sản xuất từ giữa tháng 10/2016. Công suất chế biến của mỗi cơ sở trong khoảng 15-30 tấn cà phê quả tươi/ngày đêm. Lượng nước thải sản xuất của mỗi cơ sở trong khoảng 35-80 m3/ ngày đêm.
Qua kiểm tra cho thấy về hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường, các công ty đều đã được UBND huyện Hướng Hóa xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; đã thực hiện giám sát môi trường định kỳ; đã kê khai và nộp đủ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Cuối tháng 10/ 2016, hầu hết các cơ sở đã bắt đầu đi vào sản xuất. Bình quân mỗi cơ sở có khối lượng cà phê quả tươi chế biến trung bình khoảng 30 tấn/ ngày đêm. Nước thải sản xuất khoảng 80m3/ ngày đêm. Vỏ cà phê thải được các doanh nghiệp phối hợp với người dân trên địa bàn thu gom làm phân bón.
Tuy nhiên ở một số cơ sở như DNTN Thành Danh, Công ty cổ phần Thương Phú, việc thu gom chưa triệt để, rơi vãi nhiều nơi trong khu vực sản xuất và các hồ chứa. Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải nhưng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đã xuống cấp, không được doanh nghiệp duy tu, bảo dưỡng. Nước thải không được thu gom, xử lý triệt để, chảy tràn vào khu vực xung quanh, gây ô nhiễm môi trường khu vực biên giới Việt- Lào.
Mặc dù Công ty cổ phần Thương Phú đã duy tu, lắp đặt thêm các hệ thống lọc rác, xây dựng thêm các cống xả kết hợp lọc cặn, tuy nhiên, bể kị khí của hệ thống xử lý còn bị rò rỉ nước thải sang các bể khác, các hồ sinh học cuối cùng của hệ thống xử lý chưa được lót bạt. Kết quả phân tích nước thải sản xuất của công ty so sánh với Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT-Cột B, Kq=0,9, Kf=1,2) cho thấy, thông số pH nằm ngoài giới hạn cho phép, độ màu vượt 1,8 lần, BOD5 vượt 5,8 lần, COD vượt 5,8 lần, Coliform vượ t 8,5 lần. Do vậy, công ty cần phải tu sửa lại bể kị khí, lót bạt các hồ sinh học để xử lý nước đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
Qua kiểm tra cho thấy các cơ sở chế biến cà phê ở Hướng Hóa đã có ý thức và hành động bảo vệ môi trường. Một số cơ sở đã đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống thu gom và xử lý nước thải, vệ sinh nhà xưởng, giảm thiểu mức độ ô nhiễm so với các năm trước.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở vẫn còn một số tồn tại như chưa hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý theo đúng yêu cầu tại Công văn số 2485/STNMT-CCBVMT ngày 4/10/2016 và các Kết luận kiểm tra trước đây của Sở Tài nguyên và Môi trường (Công ty cổ phần Thương Phú, DNTN Đình Tàu, DNTN Thành Danh). Chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ năm 2016 (DNTN Đình Tàu).
Đặc biệt, DNTN Thành Danh không duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải trước khi vào mùa vụ sản xuất, gây ô nhiễm khu vực biên giới. Việc gây ô nhiễm của DNTN Thành Danh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và yêu cầu khắc phục tại Kết luận kiểm tra số 212/KL-STNMT ngày 28/1/2016. Tuy nhiên, cơ sở vẫn không thực hiện đúng yêu cầu, dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài,vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý sai phạm theo quy định pháp luật đối với DNTN Thành Danh do mức độ vi phạm nghiêm trọng, kéo dài nhưng trước mắt yêu cầu DNTN Thành Danh tạm dừng sản xuất trước ngày 30/11/2016 để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm .
Để kịp thời chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến cà phê, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường các đợt kiểm tra, nhắc nhở việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường tại đơn vị. Để đảm bảo tốt công tác quản lý môi trường và công bằng trong bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê, đề nghị UBND huyện Hướng Hoá cần có quy hoạch cho các đơn vị chế biến cà phê quy mô nhỏ trên địa bàn (quy hoạch cả về không gian, số lượng cơ sở sản xuất) để tránh tình trạng sản xuất tự phát gây ô nhiễm môi trường. Có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực dân cư vào vùng quy hoạch. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường và yêu cầu các đơn vị mới sản xuất cà phê lập cam kết bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP, lập các hồ sơ về môi trường.
Đối với các cơ sở đang vi phạm các quy định, quy chuẩn về bảo vệ môi trường cần gấp rút xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định và thực hiện một cách nghiêm túc các kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường. Có như vậy mới kiểm soát một cách chặt chẽ từ khâu thu hoạch đến chế biến đúng theo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu cà phê Hướng Hoá đứng vững trên thương trường.
Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN
Nguồn: http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=115892
CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM
“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”
Hotline: 0888.52.57.59
Email: [email protected] – Website: https://thomcoffee.com