50 năm về trước, Khe Sanh (Quảng Trị) là đống tro tàn vì bom đạn chiến tranh cày phá, nhân dân chỉ ăn sắn trộn hạt bobo, đời sống vô cùng khó khăn. Còn nay, Khe Sanh đã vươn mình trỗi dậy thành thị trấn có hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân ấm no.

Ký ức vọng về

Những ngày tháng 4 lịch sử, chuyến xe khách xuất phát từ TP.Đông Hà chạy dọc Đường 9 theo hướng Tây đưa tôi đến mảnh đất Khe Sanh. Sau một hồi lần dò, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của cựu binh Hồ Văn Xang (SN 1944, tại khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa). Thời chiến tranh, ông Xang là Đại đội trưởng bộ đội huyện.

Một góc Khe Sanh ngày nay với nhà cửa khang trang, giao thông thuận lợi, khác xa 50 năm về trước chỉ toàn lau sậy, hoang tàn. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Xang cho hay, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta chúng đã lấy Khe Sanh làm căn cứ quân sự để khống chế cả tuyến Đường 9 sang đất bạn Lào. Khi Mỹ thế chân Pháp, Khe Sanh trở thành căn cứ quân sự trọng yếu. Bởi vậy, ta và địch đều muốn có được Khe Sanh làm tiền đề cho chiến thắng diện rộng.

Từ năm 1967 trở về trước, quân dân địa phương Khe Sanh đã dùng bẫy chông, búa liềm, gậy gộc thực hiện chiến tranh du kích. Đến năm 1968, cùng với khí thế tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, bằng trí thông minh và tinh thần dũng cảm, quân và dân Khe Sanh sát cánh với bộ đội chủ lực của ta đồng loạt tiến công vào các cứ điểm quân Mỹ làm nên chiến thắng Đường 9 Khe Sanh lịch sử.

Bằng giọt mồ hôi, lòng quyết tâm, nhân dân Khe Sanh đã duy trì, phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh mang tầm quốc tế. Ảnh: N.V

Ngày 9.7.1968, tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Khe Sanh, đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của Quảng Trị và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ đó, người dân đi sơ tán bắt đầu trở lại mảnh đất này. Trong ký ức của ông Đinh Văn Tính (68 tuổi, ở khóm 2, thị trấn Khe Sanh) – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh từ  1997 – 2004, vẫn còn vẹn nguyên những ngày gian khó khi vừa đặt chân lên mảnh đất  này.

Đó là vào tháng 8.1975, sau giải phóng miền Nam, ông Tính cùng 362 hộ dân/1.773 khẩu từ các thôn Gia Độ, Trung Yên, An Lợi, Thanh Liêm… thuộc xã Triệu Độ (Triệu Phong) rời đồng bằng lên miền núi Khe Sanh lạ lẫm. Họ đi theo chương trình di dân xây dựng kinh tế mới, lập nên xã Tân Độ. Đến 1984, xã Tân Độ và Khe Sanh hợp nhất lấy tên thị trấn Khe Sanh với 1.100 hộ/6.000 khẩu.

Cựu binh Hồ Văn Xang cho biết, quân và dân ta đã mưu trí, dũng cảm mới có được chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: B.N.V

Bom đạn và máu

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho hay, trong tương lai, nếu các điểm du lịch trên địa bàn huyện như sân bay Tà Cơn, hang động Bờ Rai, khu thương mại Lao Bảo, Nhà máy điện gió Hướng Linh 1, 2… được đầu tư, thu hút khách du lịch thì Khe Sanh sẽ là trung tâm dịch vụ lớn, mang hiệu quả kinh tế cao.

Theo lời ông Tính, thời điểm 1975 Khe Sanh đa số là đồi núi trọc, lau lách bao phủ, hai bên con Đường 9 làm bằng đá cấp phối rộng chừng 3m lổn nhổn bom đạn, xe pháo, hố bom… Mỗi khi trời nắng to lại có tiếng nổ chan chát của bom bi, M79.

Ông Bùi Văn Các (75 tuổi, khóm 1, thị trấn Khe Sanh) kể, tháng 9.1975, ông rời quê hương tỉnh Hà Nam đặt chân đến Khe Sanh theo chương trình của Ủy ban nông nghiệp Trung ương bổ sung lao động cho các tỉnh phía Nam. Công tác tại Trạm cơ giới, làm nhiệm vụ khai hoang phục hóa, san lấp mặt bằng vùng đất đỏ bazan Khe Sanh, ông Các rùng mình trước cảnh ngày nào cũng giáp mặt bom đạn, tiếng nổ và chết chóc.

“Bánh xe máy ủi đất đi đến đâu bom bi nổ bùm bụp đến đó. Một ben ủi đất có cả trăm quả bom bi được lùa xuống các hố bom lớn để chôn lấp” – ông Các nhớ lại. Không có máy dò hiện đại, tỉnh Quảng Trị đã lập nhiều đội cảm tử quân mỗi ngày dàn hàng ngang, dùng thuổng soi tìm bom. Số người ngã xuống vì bom nổ không ít.

Khe Sanh thời điểm sau giải phóng chỉ duy nhất Đường 9 do Pháp xây dựng được đổ đá cấp phối, còn lại toàn đường đất. Phụ huynh phải lợp trường tranh tre cho con em học chữ. Nhân dân không có giống trâu bò, lợn gà để chăn nuôi, việc tắm rửa phải ra suối, ban đêm chỉ có ngọn đèn dầu leo lắt…

Ông Đinh Văn Tính kể, nhiệm vụ hàng đầu lúc đó là không để dân đói nên tất cả mọi người được huy động khai hoang phục hóa trồng sắn để giải quyết lương thực trước mắt. Gian khổ, mệt mỏi nhân dân không than phiền, duy chỉ tang thương bom đạn khiến họ nản lòng. Như buổi trưa hè năm 1978, nghe tiếng nổ lớn, mọi người hoảng loạn chạy đến thì đã thấy 4 em học sinh Trường Tiểu học Tân Độ (nay là Tiểu học số 2 thị trấn Khe Sanh) chết trên vũng máu. Hay buổi chiều năm 1977, khi 3 thanh niên Tân Độ đang khai hoang đất trồng sắn thì ngã khụy sau tiếng nổ… “Hầu như ngày nào cũng có tiếng bom nổ, người chết, bị thương, điều này khiến dòng người bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác sống ngày càng nhiều, những hộ dân ở lại thuộc dạng gan thép” – ông Tính nói.

Lột xác

Nói như ông Trần Trọng Minh (52 tuổi, khóm 1, Khe Sanh), những người bám trụ Khe Sanh thuộc típ liều mạng số 1. Năm 1992, vợ chồng ông Minh được hỗ trợ 1 năm tiền ăn và làm nhà tạm để rời quê hương Vĩnh Linh (Quảng Trị) lên Khe Sanh lập nghiệp. Mỗi ngày cuốc đất, ít nhất vợ chồng ông Minh gom được 30kg bom bi ở vườn nhà, chất thành đống để chôn hoặc đốt hủy nổ. “Chuyện cuốc trúng bom bi như cơm bữa, hên là không nổ” – ông Minh cười.

Gian khổ, hiểm nguy là vậy nhưng với quyết tâm thép, cộng với khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ, vợ chồng ông Minh khai hoang hơn 2ha đất trồng cà phê chè, bơ, rau củ quả, chăn nuôi dê, lợn gà. Giờ ông thu nhập mỗi năm trên 170 triệu đồng.

Ông Lê Đinh (70 tuổi, khóm 4, thị trấn Khe Sanh) nhớ lại, năm 1978 khi đến thăm Khe Sanh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã động viên nhân dân bằng câu thơ: “Núi rừng lấy điện thay sao/Đồng quê lấy máy thay người và trâu”. Nhân dân còn khắc cốt ghi tâm lời dặn của cố Tổng Bí thư phải cố gắng phát triển Hướng Hóa thành huyện miền núi kiểu mẫu.

Với quyết tâm xây dựng quê hương, nhân dân Khe Sanh cố gắng sản xuất, tích cực sáng tạo. Năm 1985, một người dân tên Khương đã tự chế ra máy phát điện mini đặt ở hồ Khe Sanh phát điện cho 15 hộ dân dùng miễn phí… Đến năm 1996, Khe Sanh có điện lưới. Trường học, bệnh viện, đường sá cũng dần được đầu tư khang trang. Xung quanh thị trấn Khe Sanh bề thế là những vườn cà phê, hồ tiêu xanh ngút ngàn.

Ông Hoàng Văn Quynh – Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh cho biết, sau 50 năm xây dựng phát triển, bộ mặt thị trấn đã thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người từ 300kg thóc vào năm 1980 đã tăng lên 33 triệu đồng/người/năm vào năm 2017. Thị trấn Khe Sanh định hướng năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại IV, tăng thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng/người/năm; đồng thời phát triển hơn nữa du lịch, thương mại dịch vụ.

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/khe-sanh-vuon-minh-tu-dong-do-nat-871628.html


CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM

“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”

Hotline: 0888.52.57.59

Email: [email protected]    – Website: https://thomcoffee.com

Chuyên mục: Tin tức