Tôi đưa người cựu binh già trở lại Khe Sanh. Ra giêng, đất trời vẫn đang rét ngọt. Ngồi trong quán cà phê trước một khách sạn lớn của thị trấn, mây núi quyện với hương cà phê quấn quýt, cả không gian như một bức tranh thủy mặc sống động. Ở Quảng Trị, không nơi nào như Khe Sanh, núi và mây nằm trong lòng phố. Phố ngắn và dốc, đi chưa hết cái âm thanh ồn ả đã thấy rừng già nghiêm ngắn trước mặt. Bước chân chưa ra khỏi rừng già tĩnh mịch, đã thấy sức nóng của sự hội nhập quốc tế trên tuyến đường xuyên Á cuồn cuộn, náo nhiệt, khẩn trương, gấp rút.

Mấy mươi năm trước, bộ đội vào chiến dịch, hơi đá cuộn lên từ núi rừng trùng điệp, trong đội hình, cách nhau dăm ba thước đã không nhìn thấy. Lăn lộn với chiến trường miền Tây Quảng Trị đã lâu, lính ta rút ra một kinh nghiệm hành quân rất lãng mạn. Xác định điểm tập kết xong, cứ nhằm hướng mùi hoa cà phê đang tỏa ra mà hành tiến, thế nào rồi cũng sẽ áp sát được ngoại vi Khe Sanh, chuẩn bị chiến trường, nắm lấy thắt lưng giặc mà vây, lấn, đánh, phá, bức rút, vu hồi…

Dường như cảnh sắc Khe Sanh đã chạm được vào vùng ký ức xưa cũ, khơi dậy trong ông những xúc cảm mãnh liệt, nên chi người cựu binh già đã kéo tôi gần lại, cật vấn: “Anh có hỏi tôi lý do vì sao đôi ba năm gần đây, năm nào cũng vào thăm lại Khe Sanh ư? Sao mỗi con suối, ngọn đồi nơi đây, tôi biết tường tận như quê nhà của tôi ngoài Bắc? Cả cách làm bánh sắn, nấu canh mít xanh, lá lốt với cá nguồn? Cả cái cách nói ra suy nghĩ của mình thật thà như đếm? Chính cái tình người thủy chung, son sắt và nghĩa khí thiên lương, bất khuất của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mang họ Bác Hồ nơi miền Tây Quảng Trị đã khiến chúng tôi tin yêu, cảm phục.

khe-sanh-war-vietnam1

Tôi là lính pháo binh Trung đoàn 675. Cuối năm 1966, Trung ương Đảng quyết định mở một mặt trận mới ở Trị Thiên- Mặt trận đường số 9, với mục đích thu hút và giam chân một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, nhằm chia lửa với các chiến trường phía Nam và trừng trị những hành động khiêu khích của Mỹ- ngụy ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh. Lúc này, các chiến sĩ đoàn pháo binh 675 chúng tôi rất nóng lòng chờ lệnh lên đường diệt Mỹ.

Thời cơ đó đã đến. Tháng 10/1967, toàn bộ đội hình của Trung đoàn được lệnh rút khỏi địa bàn vùng Nam Hà, Thanh Hóa, tập trung ở Hòa Bình nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, Trung đoàn được trang bị pháo D-74 và các khí tài hiện đại, sẵn sàng lên đường. “Đi gọn, đến đủ, bí mật, an toàn, đúng thời gian quy định” là những yêu cầu của cuộc hành quân được đề ra trong Nghị quyết Đảng ủy Trung đoàn tháng 11/1967.

Rời Hòa Bình, đội hình xe pháo của Trung đoàn lần lượt vượt dốc Cun qua Nho Quan, Thạch Thành, Yên Định, Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, vượt ngầm Sê Băng Hiêng, áp sát Khe Sanh, ém quân đúng thời gian quy định. Từ đây, trong suốt 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, Trung đoàn 675 chúng tôi đã đánh 207 trận vào 95 mục tiêu, lập được nhiều chiến công hiển hách. Trung đoàn đã trút bão lửa liên tục xuống đầu giặc suốt một dãi hệ thống tiền đồn của địch bố phòng nơi miền Tây Quảng Trị, gây cho kẻ thù bao nỗi kinh hoàng.

cropped-khe-sanh-ca-phe.jpg

Đặc biệt sau trận đánh Làng Vây, đồng chí Cao Văn Khánh, Tư lệnh Mặt trận đã gửi điện khen:” Pháo binh đã đánh một trận hiệp đồng rất đẹp, đánh rất mãnh liệt, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng ta hoàn thành nhiệm vụ”. Chiến thắng Làng Vây còn mở đầu cho một thời kỳ đánh hiệp đồng quy mô lớn giữa bộ binh, pháo binh, xe tăng…của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…”.

Vẫn chưa dứt khỏi dòng hồi tưởng, người cựu binh gịà trầm ngâm: “Áp sát Khe Sanh những năm bom đạn ngút trời, rất nhiều lần đội hình Trung đoàn ém quân giữa vườn cà phê đang kỳ ra hoa, thơm ngát những triền đồi. Lệnh: “Không được dùng cành lá cây cà phê để ngụy trang; không được đụng vào cây cà phê mùa ra hoa, kết trái…”. Cánh lính trẻ miễn cưỡng chấp hành nhưng vẫn lấn cấn trong lòng với bao câu hỏi, sao chỉ huy lại ưu ái với loại cây có tên là cà phê này đến vậy. Nó cũng chỉ là một loại cây thân cứng, mọc lan man giữa lau lách, cỏ dại, trái già đanh lại như hạt sỏi, không ăn được.

Từ ruộng đồng, làng mạc quê kiểng vào thẳng chiến trường, trong nhiều anh lính trẻ, sức vóc ăn no vác nặng, hồn nhiên như đất, một số anh chưa từng biết đến hương vị một ly cà phê quyến rũ như thế nào, nhưng “quân lệnh như sơn”, nên lính ta cứ nhằm sim, mua, dành dành, dẻ rừng… chặt tới để ngụy trang cho pháo là yên tâm nhất, chừa cây cà phê lại đấy.

Qua thời gian, với độ lùi gần nửa thế kỷ, bây giờ cầm trên tay cốc cà phê Khe Sanh sóng sánh hương đất, hương đời, nghĩ lại một “mệnh lệnh kỳ lạ” thời đó, mới thấy hết sự sang trọng, lịch lãm của những người quân nhân cách mạng. Giữa mịt mù bom đạn, sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, họ sẵn sàng hy sinh thân mình nhưng lại hướng suy nghĩ về ngày hòa bình, tìm cách bảo bọc những mầm cây cà phê vì tương lai thịnh vượng của đất này…” .

Những mầm cây cà phê mà người lính chiến như ông đã dành biết bao ưu ái đó có từ khi nào? Không hiểu sao, tôi vẫn cứ tin rằng cuộc đời của người này, rút cuộc có thể lại là kỷ niệm của người khác. Cách nay chừng hơn 20 năm, khi còn là một phóng viên trẻ, tôi đã cất công đi tìm cho mình lời giải về sự hiện diện cây cà phê trên đất Khe Sanh, kết quả là đã bắt gặp và chạm đến quá nhiều huyền tích, huyền sử, buồn đến nao lòng.

Tôi đã đến nơi mà gần một thế kỷ trước là đất của đồn điền Cô-mê-rôm, đồn điền cà phê quy mô nhất trong số các đồn điền của người Pháp tại Khe Sanh như Ôlanh, Poalan, Cuvie…, cố tìm trong sâu thẳm đất đai, cội cành những cây cà phê sót lại đứng trầm mặc, cô độc cuối vườn để hình dung ra nữ điền chủ người Pháp xinh đẹp luôn bao phủ quanh mình những chuyện tình éo le, trắc trở.

Bỏ người chồng già, nữ điền chủ Cô-mê-rôm đã quay sang đắm đuối với anh chàng làm thuê cho đồn điền người bản địa hay say mê miền đất ba dan được mệnh danh là “đất sô cô la” này, không ai biết rõ. Chỉ biết rằng, từ rất lâu, hàng vạn gốc cà phê đã được trồng ở đất này và khi thu hoạch, hạt cà phê được đóng bao đã theo chân người Pháp xuống tàu, vượt biển, được rang xay, chưng cất, tỏa hương giữa trái tim châu Âu hoa lệ, vĩnh định một thương hiệu nức tiếng: Cà phê Khe Sanh!

Nhìn ra trước mặt. Đường 9 bây giờ đã trở thành trục đường xuyên Á, một huyết mạch quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây mà một phần quan trọng tiếp giáp với nước bạn Lào lại đi qua Lao Bảo, Khe Sanh, Hướng Hóa. Với Hướng Hóa, Quốc lộ 9 bây giờ không chỉ là “lối đi xuyên mơ ước”. Hiệu quả về nhiều mặt của tuyến đường này đem lại cho Hướng Hóa là đặc biệt to lớn. Chỉ đơn cử một ví dụ thôi để thấy, không có Quốc lộ 9, sẽ không bao giờ hiện hữu một Khu Kinh tế- Thương mại nhiều ưu đãi mang tên Lao Bảo gắn với Cửa khẩu Quốc tế vào loại sầm uất nhất của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, mang trọng trách là “đầu tàu” thúc đẩy cả nền kinh tế- xã hội của huyện Hướng Hóa nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung phát triển như hiện nay. Ý tưởng về một tuyến đường sắt dang dỡ ngày xưa đang bắt đầu manh nha “phục dựng” lại trong tầm ngắm của những nhà hoạch định các chính sách hội nhập kinh tế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây bởi sức hấp dẫn và tính khả thi cao của nó.

Trong suốt những năm qua, làm thế nào để xây dựng lại thương hiệu, uy tín, sức vóc, vị thế của cây cà phê, biểu tượng của vùng đất nơi miền Tây Quảng Trị này luôn là nỗi trăn trở thường trực đối với những ai nặng lòng với Khe Sanh, Hướng Hóa. Toàn huyện hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.

ca-phe-khe-sanh_khesanhcoffee-1

Tuy nhiên hiện nay, cây cà phê Khe Sanh cũng như một số loại cây chiến lược khác đang đứng trước sự sàng lọc khắc nghiệt của quy luật tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đang cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp đối phó thích ứng và hiệu quả, nhằm tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng của cây cà phê trong quá trình khai thác tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ cho công nghiệp chế biến phát triển.

Một thách thức lớn nhất đối với cà phê ở Hướng Hóa đó là một số diện tích đáng kể đã được trồng từ rất lâu, có diện tích trồng từ khi người dân lên lập vùng kinh tế mới đến nay vẫn còn đứng chân, trở nên hết sức già cỗi. Với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của cây trồng chủ lực này, theo kế hoạch từ năm 2015 đến 2020, huyện Hướng Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh việc tái canh khoảng 1.600 ha cà phê, đưa giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác theo hướng sinh thái bền vững để phục hồi chất lượng cũng như sản lượng cà phê trên địa bàn.

Việc tái canh cây cà phê đang được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, hết sức khẩn trương ở Hướng Hóa thời điểm này. Cà phê Khe San h đang được phục dựng lại thương hiệu gắn với danh tiếng bằng những bước đi ban đầu, chuyển dần từ xuất khẩu hàng thô sang tinh chế, có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao trong đó…

Gần 50 năm trước, bản tin của Hãng tin Anh Reuter, tường trình từ Khe Sanh vào ngày 2/7/1968 đã làm xáo động nước Mỹ và thế giới: “Khe Sanh sẽ được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu…”. Bây giờ, du khách khắp nơi trên thế giới có dịp đi qua tuyến đường xuyên Á, dừng lại Khe Sanh, Lao Bảo, sẽ thấy “một thị trấn yêu kiều” trong miên man mây núi và hương cà phê như hương đất nồng nàn. Cuộc sống đang nở hoa trên vùng đất từng nhuộm đỏ máu xương bao thế hệ cha anh giữ nước, màu xanh đang trải rộng trên sắc đất ba dan tươi tốt, nghĩa tình…

Chương trình Văn nghệ – VOV2 (Đài TNVN)
Nguồn: http://vovgiaothong.vn/van-hoa/but-ki-%E2%80%9Cve-noi-nui-va-may-nam-trong-long-pho%E2%80%9D/84028

CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM

“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”

Hotline: 0888.52.57.59

Email: [email protected]    – Website: https://thomcoffee.com

Chuyên mục: Tin tức