Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Đề án). Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền xung quanh vấn đề này.
Phải khẳng định rằng, cà phê là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh. Cà phê Quảng Trị có chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, là cây trồng tạo nguồn thu nhập chính cho hơn 8.000 hộ gia đình (50% là đồng bào dân tộc thiểu số) trồng cà phê trên địa bàn.
Những năm gần đây, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành hành Quyết định số 837/QĐUBND ngày 24/4/2017 về việc phê duyệt Đề án Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, tính đến năm 2025. Theo đó kế hoạch đến năm 2025 đạt 1.910 ha. Từ năm 2018 đến hết tháng 11/2020, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, các tổ chức, dự án (Dự án Mêkông, EMEE – Tổ chức Tầm nhìn thế giới…) và nguồn kinh phí đối ứng của nông dân, doanh nghiệp đã tiến hành tái canh được 495,6 ha cà phê. Qua kiểm tra thực tế các vườn cà phê sau tái canh phát triển bình thường, năng suất bình quân đạt từ 1,5-1,7 tấn nhân/ha. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 4.600 ha cà phê, trong đó có gần 4.300 ha cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 4.500 tấn, trong đó có gần 20 ha canh tác theo hướng hữu cơ sinh thái.
Những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, tình trạng người dân bỏ vườn không chăm sóc, không đầu tư chăm sóc và tái canh các vườn cà phê già cỗi hoặc chuyển đổi các vườn cà phê sang trồng sắn, chanh leo… dẫn đến diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê bị giảm sút, giá trị thu nhập của người trồng cà phê không cao.
– Có thể thấy, trên thực tế, tại Quảng Trị cà phê Arabica đã được trồng với diện tích khá lớn trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong những năm qua. Tuy nhiên để hình thành cà phê đặc sản theo đúng tiêu chuẩn thì vẫn còn nhiều vấn đề cần làm. Theo ông, có những thuận lợi, khó khăn gì khi định hướng phát triển cà phê đặc sản theo hướng bền vững?
– Vùng trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa có nhiều thuận lợi về điều kiện đất đỏ ba dan màu mỡ, độ cao trung bình vùng trồng cà phê trên 500 m so với mực nước biển, nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp nên sản phẩm cà phê chè của tỉnh được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến bởi chất lượng thơm ngon và mùi vị đặc trưng. Sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”, tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Do biến đổi khí hậu nên thiên tai thường xuyên xảy ra, trong khi trồng cà phê ở Quảng Trị chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sử dụng nước trời (không tưới) do đó năng suất hàng năm không ổn định, chất lượng thấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50% diện tích cà phê già cỗi (đã trồng 15 năm) cần nguồn lực lớn để tái canh, trong khi phần lớn người trồng cà phê là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn và nhận thức, cũng như kinh nghiệm còn hạn chế. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tái canh cà phê trên địa bàn còn ít, nhất là công tác giống, các công nghệ cao (tưới tiết kiệm).
Thị trường biến động, giá cà phê giảm sâu, trong khi chi phí đầu tư cần nguồn vốn tương đối lớn đã làm ảnh hưởng đến quy mô và mức độ áp dụng quy trình kỹ thuật. Mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê chưa ổn định và bền vững, mang tính thời vụ, chủ yếu một chiều, mức độ tương tác ít. Việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê chưa tuân thủ quy trình. Doanh nghiệp chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy trình quản lý chất lượng, ít doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, đa số qua trung gian nên cà phê chưa có danh tiếng trên thị trường.
– Quan điểm của Đề án là không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển tại các vùng có điều kiện phù hợp trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê hiện có và trồng tái canh đối với diện tích già cỗi, kém hiệu quả. Vậy ông có thể cho biết định hướng và những giải pháp cụ thể của ngành trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án này tại địa phương?
– Trong thời gian qua, có nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến cà phê đã lựa chọn hướng phát triển dòng cà phê sạch chất lượng cao để theo đuổi như: HTX Dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, HTX Công Bằng Sa Mù… Nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu cà phê Khe Sanh trực tiếp qua Mỹ và châu Âu như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Hải CNS, Công ty TNHH Pun Coffee… Tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, ở hạng mục cà phê Arabica, Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đoạt giải Nhất, giải Nhì thuộc về nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị.
Để xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh cũng như nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng này trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Hướng Hóa tập trung các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam trên diện tích cà phê được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn, từng bước nhân rộng diện tích cà phê đặc sản ra địa bàn các xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa. Đồng thời, đôn đốc UBND các xã, thị trấn rà soát lại diện tích cà phê hiện có để tập trung sản xuất cà phê có chứng nhận (hiện nay có khoảng 500 ha đang triển khai chứng nhận 4C, gần 20 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ, sinh thái).
Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực trong đó có cà phê Arabica Khe Sanh, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nhằm duy trì ổn định diện tích cà phê đạt 4.500 – 5.000 ha, diện tích trồng mới, tái canh hằng năm đạt 150-200 ha. Tập trung các nguồn lực phát triển, quy hoạch các vùng canh tác theo hướng hữu cơ, sinh thái, đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê chất lượng cao kết hợp mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Tăng cường công tác quản lý nguồn giống phục vụ tái canh, tiếp tục phối hợp với các đơn vị như Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các trung tâm nghiên cứu nhằm thử nghiệm, lựa chọn bộ giống mới, chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương, phục vụ tốt cho công tác tái canh cà phê của tỉnh. Nghiên cứu ban hành các chính sách phát triển bền vững cũng như mang lại thu nhập cao cho người sản xuất cà phê. Trong đó chú trọng các giải pháp đồng bộ trong quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho cà phê Quảng Trị, khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh…Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao tư duy, nhận thức về sản xuất, thu hái cà phê chất lượng cao cho người nông dân. Quy hoạch các vùng trồng cà phê phù hợp (độ cao, độ che bóng, chất đất…) nhằm đầu tư xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiến tới chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, Rainforest… đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Agro Info
CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM
“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao cho cộng đồng yêu thích cà phê.”
Hotline: 0888.52.57.59
Email: [email protected] – Website: https://thomcoffee.com