Không chỉ năng suất, sản lượng giảm sút do diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn hay những biến động thất thường của giá cả khiến nông dân thất thu, những năm gần đây người trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa còn đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra.

Với tổng diện tích khoảng 5.000 ha cà phê, trong đó trên 4.700 ha đang cho thu hoạch, huyện Hướng Hóa là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc miền Trung. Từ lâu cà phê là một loại cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn đối với ngành nông nghiệp địa phương. Giống cà phê được trồng phổ biến ở huyện Hướng Hóa là cà phê chè catimor, đây là giống cà phê cần ít nước tưới hơn so với các loại cà phê khác. Trong khi tập quán canh tác truyền thống của nông dân trên địa bàn từ trước đến nay vẫn chủ yếu trông chờ vào sự thuận lợi của thời tiết, ít chú trọng đầu tư hệ thống bơm tưới.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét lên sản xuất nông nghiệp toàn huyện nói chung và đối với ngành sản xuất cà phê nói riêng. Đơn cử như các đợt hạn hán vào các mùa khô năm 2013, 2014 và 2015 xảy ra trên địa bàn huyện đã không chỉ tác động đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của nhiều diện tích cà phê. Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho thấy, qua các đợt hạn hán này, hàng ngàn cây cà phê đã bị khô cành, héo lá, nở hoa không đúng thời điểm dẫn đến năng suất và chất lượng quả sụt giảm trầm trọng, ảnh hưởng đến giá bán của sản phẩm cà phê trên thị trường. Trước tình hình đó, để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều nông dân ở Hướng Hóa đã chủ động sản xuất cà phê phù hợp với điều kiện mới.

Ông Nguyễn Mạnh, một nông dân trồng cà phê ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa cho biết, thời tiết những năm gần đây diễn biến thất thường, hạn hán kéo dài khiến nhiều vườn cà phê bị khô cành, héo lá. Để chủ động đối phó với thời tiết ngày càng bất thuận, 2 năm trước ông quyết định chi phí gần 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy bơm và ống dẫn. Hiện nay việc chăm sóc vườn cà phê gần 1,5 ha của ông đã chủ động hơn, nhất là trong những mùa khô hạn kéo dài. Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng tăng số lượng cây bóng mát trong vườn cà phê để giảm sự thoát hơi nước từ đất trong các mùa khô hạn, giữ được độ ẩm cho cây. Một giải pháp nữa được ông Mạnh áp dụng là tăng cường sử dụng phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng cho cây và tạo được độ mùn trong đất dù chi phí có cao hơn so ới dùng phân vô cơ.

Nhờ đó những niên vụ gần đây, vườn cà phê của gia đình ông Mạnh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất và sản lượng đều tăng hơn so với những vườn cà phê khác của nông dân trên cùng địa bàn. Trước những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, để thay đổi nhận thức trong sản xuất cà phê của người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, mới đây Viện Mê Kông phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa hỗ trợ kinh phí cho 2 hộ gia đình ở bản Cợp và Mã Lai (xã Hướng Phùng) triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt cho cây cà phê.

Tham gia dự án này, mỗi hộ gia đình sẽ được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt bao gồm bể nước, máy bơm, ống nước rải đều ở gốc cây cà phê có van xả nước nhỏ giọt với lưu lượng 1 lít nước/giờ. Mức đầu tư cho mỗi mô hình là 60 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại nông dân tham gia đối ứng. Anh Trần Văn Dương, một trong 2 hộ nông dân tham gia dự án cho biết, ưu điểm của hệ thống tưới nước nhỏ giọt là tiết kiệm nước và luôn giữ ẩm cho cây cà phê, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt cho vườn cà phê sẽ giúp người dân chủ động hơn trong quá trình chăm sóc cây, nhất là vào mùa khô hạn.

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, những năm trở lại đây, thời tiết trên địa bàn diễn biến thất thường, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất cà phê của nông dân. Thời gian qua, tại một số khu vực trên địa bàn huyện, do chịu tác động của hạn hán kéo dài nên nhiều vườn cà phê không ra hoa hoặc nở hoa muộn gây thất thu cho nông dân. Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức, dự án tăng cường phát triển cà phê theo hướng bền vững, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng chuỗi liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất cà phê…

Trên thực tế, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đối với ngành sản xuất cà phê tại huyện Hướng Hóa. Để giúp nông dân chủ động hơn trong việc đối phó, đồng thời giảm thiểu tối đa những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, rất cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh. Trong điều kiện thực tế hiện nay, khi đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2017 – 2020 đã được thông qua và bắt đầu triển khai thì việc các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng tìm kiếm những giống cà phê có khả năng chịu hạn cao, năng suất và chất lượng ổn định để phục vụ nhu cầu tái canh của nông dân là việc làm cấp thiết.

Một giải pháp nữa được nhiều chuyên gia đề cập gần đây là cần xây dựng các phương án chủ động nguồn nước tưới vào mùa khô như xây dựng các hồ chứa, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện máy móc để bơm tưới…Cùng với đó, các cấp, ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu để giúp người dân, đặc biệt đối với người trồng cà phê tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chủ động trước những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra.

Công Điền (Báo Quảng Trị)


CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ THƠM

“Ở Thom Coffee, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những chuyên gia cà phê rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê cao cấp nhất, ngon nhất của vùng Khe Sanh cho cộng đồng.”

Hotline: 0888.52.57.59  – Điện thoại: 0888.54.56.59

Email: [email protected]    – Website: https://thomcoffee.com

Chuyên mục: Tin tức